Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Trái tim ngọc đá và giọt nước mắt muộn màng...

     Tháng
5, ve kêu ra rả gọi hè về... Muốn viết một cái gì đó để giải toả những
áp lực của bài vở, của thi cử; vậy mà tiếng ve không để cho mình yên!
Đành tìm bình yên trong lời ca cũ vậy. Nhưng hình như cõi ấy xa xăm
quá...




    
http://quechoablog.files.wordpress.com/2009/08/condo1.jpg


     Câu ca ai hát giữa dòng
     Đêm trăng thanh vắng nỗi lòng Trương Chi
     Nhẹ nhàng gió
đẩy thuyền đi

     Tiêu tương bến vắng biết khi
nào về
     Lời ca ai
oán não nề

     Buông rơi câu hát bốn bề trăng trong
     Tình ơi tan nát
cõi lòng

     Tim anh hóa chiếc thuyền trong mắt nàng
     Tiếng ca nghẹn
ánh trăng vàng

     Ngàn năm sau vẫn nhớ chàng
Trương Chi


       
Đã đọc nhiều lần câu chuyện cổ tích ấy mà lòng vẫn thấy nghẹn
ngào. Hằng đêm, khi con gái muốn nghe mẹ kể chuyện cổ tích là tôi nghĩ
ngay đến câu chuyện này. Vậy mà
chưa một lần dám kể cùng
con!
Thế giới cổ tích vốn thuộc về trẻ thơ, nhưng có những câu
chuyện tụi trẻ con chẳng thể nào hiểu được. Và khi chúng ngước đôi mắt
trong veo lên thắc mắc thì liệu có câu trả lời thỏa mãn tâm hồn ngây thơ
con trẻ? Đêm nay, tôi lại nghe Ánh Tuyết hát giai điệu
Trương Chi của cố nhạc sĩ Văn Cao mà lại nghe lòng
quặn lên một nỗi niềm thương cảm. Bạn có muốn cùng tôi đọc lại câu
chuyện cổ tích ấy không trong giai điệu lâm li của bản tình ca dĩ vãng?
Hãy lặng yên nhé...

        Câu
chuyện kể lại rằng:


    
Ngày xưa, có một chàng trai đánh cá nghèo, mồ
côi cha mẹ tên là Trương Chi. Anh xấu xí, nhưng thổi sáo rất hay. Đêm
đêm, anh thường đem sáo ra thổi nơi bến sông. Bến sông anh đậu thuyền
ngay gần dinh quan tể tướng, nên tiếng sáo của anh vang vọng đến dinh
của ngài. Quan tể tướng có một người con gái tên là Mị Nương rất xinh
đẹp đã đến tuổi lấy chồng. Mỗi khi Trương Chi thổi sáo, nàng lại ngồi
bên cửa sổ hướng về phía sông vắng để được nghe tiếng sáo của chàng. Và
không biết từ bao giờ, nàng đã say mê tiếng sáo, mơ ước được gặp người
đánh cá với tiếng sáo mê hồn đó!
     Một thời gian sau, Trương Chi
lâm bệnh, Mị Nương không còn được nghe tiếng sáo của chàng nơi bến vắng.
Nàng buồn bã tưởng nhớ tiếng sáo đến tương tư, rồi phát bệnh. Quan tể
tướng hỏi nguyên nhân, biết chuyện, ông cho vời Trương Chi đến thổi sáo
cho nàng nghe.
     Được nghe lại tiếng sáo, Mị Nương khỏi bệnh.
Nhưng vừa nhìn thấy Trương Chi nàng đã quay mặt đi phũ phàng vì chàng
quá xấu. Chuỗi ngọc trên tay Mị Nương rơi xuống vỡ tan như chính sự mơ
mộng của nàng về bóng hình người tình trong mộng vụn vỡ... Còn chàng
Trương thì trớ trêu thay, giây phút ngước nhìn lên chiêm ngưỡng dung
nhan của Mị Nương chính là giây phút trái tim chàng choáng ngợp và run
rẩy vì yêu! Chàng đã say mê nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy.
    
Biết không thể gần nhau, Trương Chi buồn bã lâm bệnh rồi chàng qua đời
trong nỗi nhớ nhung da diết bóng hình nàng công chúa diễm kiều.
    
Trải bao năm tháng chôn vùi dưới đất, thân xác đã tiêu tan. Nhưng trái
tim Trương Chi kết thành một chuỗi ngọc đỏ thắm như thách thức với thiên
thu, thủy chung chờ đợi. Về sau, có người tình cờ tìm được khối ngọc
này, tiện thành một bộ đồ trà và đem dâng lên quan tể tướng.
    
Trong một tiệc yến có Mị Nương cùng dự, quan tể tướng truyền mang bình
trà quý ra dùng. Nhưng khi rót nước vào chén ngọc, Mị Nương chợt thấy
trong chén trà của mình hình bóng con thuyền của Trương Chi và bỗng
nhiên quanh quất đâu đây quanh nàng là tiếng sáo du dương trầm bổng ngày
nào... Công chúa khóc, nước mắt nhỏ vào trong chén trà, và lạ chưa,
chén ngọc tan đi trong tay nàng một màu sẫm đỏ.


           


       Câu chuyện khép lại trong sự dang dở và vỡ tan như thế. Tôi thấy nó mang dáng dấp một bi kịch hơn là một câu chuyện cổ tích!
Bạn có lắng nghe Ánh Tuyết hát đó không? Đã bao lần tôi lắng nghe và
đọc lại câu chuyện buồn đau về tình vỡ này và tưởng tượng ra tiếng sáo
chàng Trương Chi bất hạnh. Tiếng sáo ấy
trầm buồn theo sóng nước, chơi vơi như cuộc đời vô định của chàng.
Thân phận mồ côi, ngoại hình xấu xí lại bọc bởi một kiếp nghèo, nào ai có thể tưởng nổi
chàng lại là chủ nhân của điệu sáo làm
đắm hồn người đẹp! Bi kịch cũng chính là từ đây mà ra! Tiếng sáo
ấy chơi vơi, xao xuyến rồi lắng chìm trong tâm hồn trinh nữ Mị Nương. Tiếng sáo ấy thay lời tình si của
chàng lái đò nghèo xác với nàng công chúa lá ngọc cành vàng... Nàng đã quay mặt phũ phàng bước đi khi gặp
chàng Trương Chi. Phải chăng khi gặp người nghệ sĩ tài hoa mới vỡ lẽ chỉ
là chàng trai xấu xí nghèo khổ nên nàng đã thật phũ phàng? Chuỗi ngọc trên tay nàng tan rồi, cũng như
niềm mơ mộng về người yêu cũng vỡ!


     Tôi đã hơn một lần tự hỏi: Người
xưa kể chuyện chàng Trương tại sao lại để chàng đau đớn rồi lìa xa cõi
thế?
Và rồi đến nay, tôi có thể tự trả lời câu hỏi ấy cho mình: Chàng làm sao tiếp tục sống, tiếp tục thổi
sáo trên bến vắng sông kia với một trái tim tan vỡ!
Trương Chi đã
chết, chàng không thể ở lại bến sông xưa để tiếp tục hòa nỗi cô đơn
trong tiếng sáo, khi nửa mảnh hồn của chàng không thể hòa nhập ở cõi
trần gian. Chàng chết trong mối tình u uẩn cho nên dù thân xác đã tiêu tan, linh hồn và trái tim
yêu của chàng đã kết thành khối ngọc đá còn lại mãi với muôn đời.
Lòng chàng đau đớn nhưng chàng không
hề oán trách Mị Nương như thế gian bao người đã lầm tưởng. Mị Nương đã khóc khi tiếng sáo xa xưa và bóng
hình người cũ bỗng chốc hiện về nơi đáy chén ngọc. Giọt nước mắt muộn màng khóc cho người
tri kỷ với số phận long đong. Giọt nước mắt ấy trĩu nặng nỗi đau nhân
thế. Vũ trụ như quay cuồng chao đảo. Trăng sao úa tàn... Và hơn thế, trái tim ngọc đá kia cũng ứa máu đỏ, tan vỡ
dưới tay nàng... Hai tâm hồn của họ hòa nhập. Trái tim Trương Chi
tan đi, để lại cho thế nhân một câu chuyện tình bi thương không ngòi
bút nào vượt qua nổi, đưa tình yêu đôi lứa đến tận cõi bất tử của các
thiên thần. Một kết cục khiến người đời đau nhói và lặng đi trong những
cảm xúc rất riêng tư!

         Lần nào cũng vậy. Nghĩ đến câu
chuyện cũ ấy sao lòng tôi lại buồn đến thế? Biết chỉ là dòng cảm xúc
thôi, rồi bao chuyện khác của cuộc sống hàng ngày sẽ lại chiếm chỗ và át
đi nỗi niềm nho nhỏ đó... Nhưng dẫu sao đêm nay, tôi vẫn muốn chia sẻ
trên trang viết này một chút day dứt rất con người trong đêm...


                                                              
( Vân Ly - 12/2009)

                        Bài cũ đăng lại, tại ve không để cho mình yên để viết với lách đấy mừ!
                                           Trời đất, TN của mình ve kêu cả ban đêm!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét