Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Ký ức một thời...

                                                  ( Viết tặng cho...tôi và các học trò)

          


      Những ngày này, khi mà đâu đây trên trường trên lớp đã thấy khá rộn ràng của buổi lễ kỷ niệm ngày nhà giáo VN...Lòng tôi cũng cảm thấy bâng khuâng lạ! Những cảm xúc không tên cứ ào về, rộn ràng trong ký ức... Ngày hôm qua, khi ngồi bên những cô học trò ưu tú trong lớp chủ nhiệm, các trò có hỏi tôi rằng ngày xưa cô học Văn thế nào? Bỗng nhiên ký ức về một thời học Văn chợt ùa về trong nỗi nhớ của tôi. Sáng nay, tôi lại ngồi, lại viết. Viết trong những dòng ký ức xa mờ, nhưng cũng đã trở thành một nếp gấp trong tôi. Ký ức về một thời học Văn xa ấy!

    Người thầy đầu tiên dạy Văn cho tôi chính là Mẹ tôi. Cũng như bao người Mẹ khác, Mẹ tôi, bằng lời hát ru trầm bổng, bằng lời đọc thơ dịu dàng đầy những âm trầm tha thiết đã trao gửi vào tiềm thức con thơ- khi con còn nhỏ còn u ơ chưa biết nói - hình ảnh trong trắng của cánh cò và hương thơm cao khiết của bông sen. Cái triết lý: Có sáo thì sáo nước trong. Đừng sáo nước đục... của cò con và: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn của hoa sen cứ thế thấm dần vào đầu óc non trẻ của tôi, và ảnh hưởng đến tôi cho đến bây giờ. Tôi đã hiểu: Dạy con từ thủa còn thơ là như thế qua những lời ru của Mẹ.

  Lớn hơn một chút, trên con đường đi học, tôi vẫn thấy đâu đó bóng dáng những lời ru ấy: Cánh cò, đồng ruộng, bông vàng lúa, bác nông dân một nắng hai sương trên những cánh đồng, giọt mồ hôi vất vả... Tất cả đều được tôi cảm nhận trên cơ sở những lời ru năm xưa... Nó không chỉ theo tôi tới lớp, từng bước đến trường mà còn theo dấu chân tôi trên vạn dặm đường đời!

  Thủa nhỏ, tôi cũng nhớ rất rõ câu hát mà Cha tôi thường hát khe khẽ cho chị em tôi ngủ. Đó là những hình ảnh giản dị của: Con ong làm mật yêu hoa, con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời, Con người muốn sống con ơi, Phải yêu đồng chí, yêu người anh em. Một ngôi sao chẳng sáng đêm. Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng... Bây giờ, khi cha tôi không còn bên tôi nữa, nhưng tôi cảm nhận lời hát ấm áp của ông văng vẳng bên tai mình từ thời xa xưa ấy!

   Có lẽ nhờ có Cha, có Mẹ là những người theo nghiệp văn (Cha tôi là nhà báo, còn Mẹ là giảng viên môn Văn) nên tôi theo nghiệp Văn cũng là rất thường tình! Học đại học, tôi học Sư phạm Văn. Nhớ mãi lần gặp gỡ đầu tiên với một nhà thơ đã ảnh hưởng sâu sắc với tôi thế nào thời ấy! Đó là lần gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật.
    Lần đầu tiên trong đời, tôi được đứng trước một nhà thơ mà mình hâm mộ. Khi biết tôi, một sinh viên khá ưu tú của khoa, ông đã nói với tôi về những điều xung quanh nghiệp viết. Tôi còn nhớ ông nói: Văn hay không phải là cầu kỳ, càng giản dị bao nhiêu, càng trong sáng bao nhiêu thì càng văn bấy nhiêu. Hồi ấy tôi đã hiểu, nhưng giờ, khi đã trở thành cô giáo dạy văn, đứng trên bục giảng gần 10 năm trời, thì điều ông nói hồi ấy ngẫm ra mới thấy thật đúng. Tất nhiên cái giản dị, cái trong sáng ấy không phải là cái sơ lược và dễ dãi. Để có được cái giản dị, cái trong sáng ấy thì người viết, thì học sinh khi làm văn cũng phải có sự suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều. Tước bỏ đi những gì là rườm rà, ngẫu nhiên, những gì không tiêu biểu để tập trung vào làm nổi bật hoặc làm sâu hơn những gì gợi cảm nhất và bản chất nhất!

    Trong việc bình luận những câu văn hay, những lời hay ý đẹp cũng vậy. Tôi vẫn nhớ có một bài làm văn của tôi thời Trung học, cô phê là : Rối rậm như rừng già... Mãi sau tôi mới hiểu được, thì ra khi viết văn, cần lắm sự giản dị và trong sáng. Khi viết văn, chỉ riêng sự sắc sảo và thông mình thì chưa đủ. Văn cũng cần lắm sự tươi trẻ, cần phải tràn ngập trong niềm rung cảm của chính ngay cả những vấn đề tưởng như chỉ cần nhiều lý trí và luận lý.

   Ngày hôm nay, tôi càng thấu hơn một điều: Con đường viết văn là con đường vạn dặm, đầy khó khăn. Nhưng nếu bước lên được một bước, dù chỉ là một bước, cũng đã có thêm hoa thơm và quả ngọt. Và ở phía trước con đường ấy, muôn hoa đang vẫy chào ta... Chúng luôn luôn quyến rũ, đòi hỏi ta phải sáng tạo với một cái tâm thật trong!

   Ngồi trải lòng mình cùng trang Blog thân thương, tôi cảm thấy mình yêu nghề hơn. Yêu biết mấy khi đọc những dòng văn dẫu rằng còn nhiều vụng dại của học trò! Yêu lắm khi cầm cây bút đỏ, chữa cho các trò từng lỗi dùng từ, từng lỗi diễn đạt, từng lỗi đặt câu... Yêu lắm cái nghiệp làm thầy, uốn nắn cho các em bớt dại trên con đường còn xa dài vạn dặm... Tôi tự cảm thấy thật bằng lòng với những ngày đã trôi qua... Bao chuyến đò đầy đã đưa trò sang sông... Người ta vẫn nói nghề này bạc lắm, nhưng với tôi thì dòng sông ấy vẫn thật trong, và phía bên kia vẫn có những tiếng gọi đò tha thiết giục tôi vững tay chèo...

  Điện thoại của tôi đang rung lên từng hồi dài... Học trò cũ năm xưa nhắn tin: Chúng em hẹn nhau 20/11 năm nay sẽ trở về, cô đợi chúng em nghe cô...

                                                                                    ( Vân Ly 11/ 2009)

         

                                  &nb
sp;                             (Giờ sinh hoạt lớp)
         

                                                          (Với nữ sinh A6)
        

                                    (Với Thùy Linh, cô trò cưng)
        

        

                             (Tiết mục văn nghệ chào mừng 20/11 của HS lớp chủ nhiệm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét